Nhà ở xã hội cũng ‘lách luật’ huy động vốn

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Khách hàng mua nhà tại dự án nhà thu nhập thấp 143 Trần Phú rất bất ngờ khi nhận được thông báo đến nộp tiền đặt cọc để “chắc chân” có một suất nhà ở xã hội.

    [/tomtat]
[chitiet]

Tiền đặt cọc…tùy tâm

Chị Hà, một khách hàng đang nộp hồ sơ mua nhà tại dự án nhà thu thu nhập thấp 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) thuộc Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư cho biết, mới đây chị rất bất ngờ khi nhận được thông báo từ SDU yêu cầu đến công ty nộp 70 triệu đồng đặt cọc mua nhà và ký vào bản cam kết do chủ đầu tư soạn sẵn và phát với nội dung người mua nhà tự nguyện nộp số tiền đặt cọc.
“Tôi rất ngạc nhiên vì mua nhà thu nhập thấp theo quy định là người mua chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp cho chủ đầu tư. Các hồ sơ đạt tiêu chuẩn sẽ nộp lên Sở Xây dựng để xét duyệt. Vì vậy, việc chủ đầu tư yêu cầu đặt cọc như vậy là không bình thường”, chị Hà chia sẻ.
Phối cảnh dự án 143 Trần Phú
Cũng theo chị Hà, SDU chỉ đưa ra một mức đặt cọc là 70 triệu đồng, không hơn không kém. Nếu tất cả 366 khách hàng cùng nộp 70 triệu đồng, chủ đầu tư sẽ thu được hơn 20 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ, ít ai có thể giám sát được họ dùng số tiền này vào mục đích gì.
Đặc biệt, theo một khách hàng tên Nguyễn Văn Cường, chủ đầu tư hứa hẹn, nếu nộp đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà hơn khiến cho nhiều người rất phân vân. Nộp thì sợ mất tiền, không nộp thì sợ mất quyền mua nhà.
“Chúng tôi cũng rất lo lắng, nếu nộp tiền đặt cọc, chẳng may sau này không bốc thăm được căn hộ phù hợp với gia đình mình, mua thì không ở được mà không mua thì mất tiền đặt cọc”, anh Cường bày tỏ.
Dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (Q.Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở thương mại được phép chuyển sang nhà ở xã hội đầu tiên.
Công trình có tổng diện tích xây dựng 2.590m2, cao 35 tầng, tổng diện tích sàn lên đến 48 nghìn m2, mức đầu tư là 560 tỉ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015 với hơn 512 căn hộ.
Trao đổi với PV VTC News xung quanh việc thỏa thuận đặt cọc với khách hàng, ông Hoàng Văn Anh, giám đốc SDU cho biết, do có nhiều khách hàng đến đặt cọc rồi sau đó lại xin rút hồ sơ về, nên công ty mới yêu cầu khách hàng phải ký thỏa thuận nộp tiền đặt cọc để họ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Số tiền đặt cọc theo ông Hoàng Văn Anh là… tùy tâm. Mức cao nhất là 70 triệu đồng, còn không giới hạn mức thấp nhất.
Để minh chứng cho điều này, ông Hoàng Văn Anh cho biết, đến nay đã có khoảng 9 khách hàng nộp tiền đặt cọc với mức tiền là 30, 50 và 70 triệu đồng.
“Đây là số tiền đặt cọc để “giữ chân” khách hàng và là thỏa thuận dân sự, không trái luật. Khách hàng có thể đặt cọc hoặc không đặt cọc và không ảnh hưởng đến việc xét duyệt hồ sơ”, ông Hoàng Văn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo giám đốc SDU, công ty đã lập một tài khoản ở ngân hàng SHB để cất giữ tiền đặt cọc của khách hàng, cam kết không sử dụng vào mục đích khác, chủ đầu tư chỉ giữ giúp. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền đặt cọc sẽ được chuyển thành tiền đóng đợt 1. Nếu khách hàng không mua sẽ mất tiền đặt cọc.
Ông Hoàng Văn Anh cũng cho biết, hiện chủ đầu tư đã tiếp nhận và trình Sở Xây dựng Hà Nội duyệt được 366 trường hợp đủ tiêu chuẩn mua nhà của dự án.
Nhiều khuất tất
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong lúc nộp hồ sơ mà có cam kết đặt cọc để không rút hồ sơ là chuyện bình thường. Còn trong qúa trình xem xét chấm điểm, nếu đủ điều kiện sẽ thành khoản tiền đặt cọc trong hợp đồng. Nếu không đủ điều kiện mua sẽ phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng.
“Việc đó không sai nếu hợp đồng đặt cọc là hợp đồng đặt cọc nộp hồ sơ. Như là đi mua hồ sơ thầu, chưa biết anh trúng thầu hay không nhưng một là anh phải trả lệ phí mua hồ sơ, hai là có thủ tục đặt cọc dự thầu. Sau này nếu anh trượt sẽ trả lại. Nếu như thế thì không trái với luật”, Thứ trưởng Nam phân tích.
Nếu đứng về phía chủ đầu tư, việc ký một bản thỏa thuận đặt cọc với khách hàng để “giữ chân” là không trái luật và có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, khi “mổ xẻ” cụ thể vấn đề thì còn rất nhiều điểm cần phải làm rõ.
Thứ nhất, ông Hoàng Văn Anh khẳng định, đến thời điểm này mới có 366 hồ sơ đạt yêu cầu, trong khi số căn hộ của dự án là 512. Như vậy, cung nhiều hơn cầu. Vậy nếu đứng về phía khách hàng, việc đặt cọc chỉ là thỏa thuận và số tiền thì “tùy tâm”, chắc chắn sẽ không có khách hàng nào dại gì ký vào bản thỏa thuận tự nguyện nộp tiền đặt cọc này. Trừ khi việc ký này là bắt buộc.
Thứ hai, theo phản ánh của khách hàng “nếu nộp đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà hơn”. Phải chăng vì điều này nên một số khách hàng mới chấp nhận ký vào bản thỏa thuận đặt cọc. Đây có lẽ là lời lý giải hợp lý hơn cho việc dù số tiền tùy tâm và không bắt ký nhưng khách hàng vẫn ký.
Nếu như vậy, câu hỏi về tính công bằng và sự minh bạch trong xét duyệt hồ sơ nhà thu nhập thấp lại khiến nhiều khách hàng phải đặt câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, sau khi nộp hồ sơ, chủ đầu tư sẽ gửi lên Sở Xây dựng duyệt. Sau đó sẽ niêm yết công khai. Sau 45 ngày công khai không có vấn đề gì kiện cáo thì mới được ký hợp đồng với khách hàng.
Như vậy, người quyết định là Sở Xây dựng, vậy việc chủ đầu tư hứa “chắc chân” hơn là điều không bình thường.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội (xin giấu tên) cho hay, đây là lần đầu tiên thấy dự án nhà ở xã hội áp dụng đặt cọc mua nhà đối với khách hàng.
Theo vị này, điều kiện mua nhà ở xã hội ở nước ta quy định đã khá chặt chẽ, doanh nghiệp không nên làm phức tạp thêm, vô tình tạo hàng rào tiếp cận mua nhà đối với người nghèo.
Hơn nữa, ở Hà Nội hiện nay cũng ít dự án có vị trí đẹp như 143 Trần Phú nên việc chủ đầu tư lo giữ chân khách hàng là thừa.
“Rất có thể đây một chiêu lách luật để huy động vốn của khách hàng trong thời kỳ khó khăn”, ông này nhận định.
VTC



 [/chitiet]


Giảm giá nhà, phá tan băng

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Thị trường bất động sản trầm lắng, tình trạng đóng băng kéo dài, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập đã làm cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Để tự cứu mình, các doanh nghiệp đã phải có nhiều biện pháp và trong thời gian gần đây thị trường bất động sản lại bắt đầu dậy sóng.

    [/tomtat]
[chitiet]



Phối cảnh dự án The EverRich 3 của Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt
Với mục tiêu giải quyết triệt để hàng tồn kho nhằm thu hồi một phần vốn, tạo nguồn thu để tiếp tục hoàn thiện hay đầu tư cho dự án khác, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích cầu, trong đó có giảm giá dự án, khuyến mại hoặc chào bán với giá thấp hơn.
Nhiều biện pháp kích cầu
Đình đám nhất trong cú sốc giảm giá thị trường bất động sản gần đây phải kể đến Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí công bố giảm giá 30% dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2) hay Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố giảm giá 50% căn hộ tại hai dự án (quận 7).
Cuối năm nay, hai đại gia bất động sản cao cấp tại Tp.HCM đã bất ngờ tạo một cú sốc mạnh cho thị trường khi tuyên bố đại hạ giá sản phẩm đến hơn 50% cho đất nền biệt thự ven sông và nhà phố thương mại dự án cáo cấp The EverRich3 (phường Tân Phú, quận 7).
Theo đó, giá đất nền dự án này từ 80-100 triệu đồng/m2 giảm chỉ còn 40 triệu đồng/m2. Việc giảm giá sốc này sẽ giúp công ty đảm bảo đảm bảo dòng tiền đầu tư, triển khai thi công các dự án khác và chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm tới.
Bên cạnh đó, dự án Sunrise City (phường Tân Hưng, quận 7) của Công ty Cổ phần Bất động sản Novaland cũng chính thức công bố giảm giá bán căn hộ cao cấp khu North Towers giai đoạn 3 xuống còn 27 triệu đồng/m2.
So với giá bán khu South Tower giai đoạn 1 là 50 triệu đồng/m2, giá thành hiện nay đã giảm gần 50%. Nếu như trước đây, muốn sở hữu một căn hộ Sunrise City, khách hàng phải tốn ít nhất 4 tỷ đồng, thì nay chỉ còn 1,8 tỉ đồng.
Việc các doanh nghiệp hạ giá bán các dự án đã cho thấy trước khả năng giá cả thị trường sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm xuống nhưng với sự giảm giá của 2 chủ đầu tư dự án lớn trong đợt này như một đòn mạnh đánh vào thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp ở khu Nam Sài Gòn.
Trước tới nay chưa có một dự án cao cấp nào giảm giá mạnh đến như vậy. Từ thời điểm này, các chủ đầu tư muốn tồn tại buộc phải hạ giá thành dự án không thể giữ giá quá cao hay tăng giá lên như trước đây. Sự kiện này có thể xem như tín hiệu mở đầu cho làn sóng giảm giá mạnh trong thị trường bất động sản.
M&A đến hồi nhộn nhịp
Trước áp lực chạy đua giảm giá sản phẩm, không ít doanh nghiệp do đầu tư dàn trải nhiều dự án, thiếu vốn, mất khả năng phát triển dự án đã quyết định sáp nhập hoặc chuyển nhượng dự án (M&A) nhằm tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp hoặc thu hồi vốn đầu tư để tập trung vào các dự án chủ lực.
Đơn cử Vingroup chuyển nhượng và bàn giao tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn Vincom Center A Tp.HCM hay Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố bán bớt một số dự án bất động sản; Lotte Hotels & Resorts mua lại 70% Khách sạn Legend (quận 1, Tp.HCM) từ Quỹ Cơ hội Việt Nam củaVina Capital; Công ty Group mua lại dự án sân golf tại huyện Nhà Bè (Tp.HCM) từ Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc), Futaland và Công ty Cổ phần Đức Khải chuyển nhượng dự án New Pearl Residences trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tp.HCM) cho Công ty Vạn Thịnh Phát... đã làm thị trường bất động sản ngày càng sôi nổi hơn.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, để vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay và có thể tồn tại, các doanh nghiệp phải có sự thích nghi với diễn biến thị trường để kịp thời có sự thay đổi quyết định chính xác.
Theo một số nhà đầu tư, sau thời gian trầm lắng, thị trường gần đây lại sôi nổi hơn. Bên cạnh việc nhà đầu tư chào bán các dự án với giá thấp hay thực hiện việc chuyển nhượng, các dự án nhà ở xã hội được Chính phủ phát triển mạnh trong thời giam qua với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đã làm thị trường bất động sản sôi động và gần như đang bắt đầu tan băng.
Các căn hộ giá bình dân chen vào thị trường với giá cả hợp lý, chất lượng ổn định hay nguồn cung có sẵn sẽ là thời điểm tốt cho những chủ đầu tư có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn mua lại các dự án.
Bửu Hương



 [/chitiet]


Tiếp thị bất động sản “ngoại” đang thất thế

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Cùng với khó khăn của thị trường, hàng loạt nhà tư vấn bất động sản ngoại cũng dần tháo lui khỏi thị trường bởi sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các doanh nghiệp trong nước.

    [/tomtat]
[chitiet]


Các nhà tư vấn, tiếp thị ngoại đang ngày càng thất thế trên thị trường bất động sản Việt.
Lâu nay, nhắc đến các nhà tiếp thị, tư vấn dự án bất động sản, không ít người vẫn nghĩ tới những cái tên vốn ít nhiều đã tạo được vị thế tại Việt Nam như Savills, CBRE, Cushman & Wakefield…mà thực tế những doanh nghiệp này cũng đã từng có một thời “làm mưa làm gió” khi gần như độc quyền trong mảng tiếp thị, quản lý, môi giới các dự án bất động sản trên cả nước từ 3 - 5 năm về trước.
Nhưng mọi chuyện đã khác đi rất nhiều kể từ khi thị trường lao dốc, thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, người mua nhà để ở lẫn giới đầu tư gần như vắng bóng trên thị trường. Về lý thuyết, khi khó khăn mới cần đến những nhà tư vấn, tiếp thị giỏi, song trong giai đoạn này, khi mà mọi giao dịch gần như “đóng băng”, những kinh nghiệm hay thậm chí là chiêu bài tiếp thị, bán hàng của các nhà tư vấn ngoại cũng gần như “vô dụng”, không giúp được nhiều cho các chủ đầu tư.
Ngay cả việc công bố các báo cáo khảo sát thị trường hàng tháng, quý của các nhà tư vấn bất động sản ngoại cũng đang dần trở nên nhàm chán về nội dung, trong khi tính khách quan về thông tin lại đang ngày càng bị nghi ngờ về độ trung thực. Đến thời điểm này, ngoại trừ Savills Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức công bố báo cáo khảo sát thị trường hàng quý vẫn duy trì được một lượng khách hàng, báo chí tham dự khá đông, từ 500 - 700 người.
Số các nhà tư vấn còn lại dường như tự bản thân cũng đang cảm thấy nhàm chán với chính mình khi số người tham dự để lắng nghe những thông tin “hữu ích” về thị trường từ các nhà tư vấn ngoại đang thưa dần.
Trong một cuộc công bố thông tin thị trường bất động sản Hà Nội mới đây của CBRE, vị giám đốc đồng thời cũng là người thuyết trình đã không hài lòng và tỏ ra cáu giận với cấp dưới vì số phóng viên lẫn khách mời tham dự quá ít. Điều này cho thấy, sự tin tưởng hay kỳ vọng vào những thông tin và khả năng tư vấn, tiếp thị của doanh nghiệp ngoại đang ngày càng lung lay đối với các chủ đầu tư bất động sản trong nước.
Sự khó khăn của các nhà tư vấn ngoại càng được thể hiện rõ hơn khi các bản hợp đồng tư vấn, tiếp thị dự án đến với họ cũng thưa dần. Bi kịch hơn, những bản hợp đồng mà họ đang đứng tên lần lượt được thay thế bằng các doanh nghiệp nội khác chỉ với một lý do đơn giản từ các chủ đầu nhằm “giảm bớt chi phí” trong thời điểm mà “ngoại bán cũng không tốt hơn nội”.
Trong bối cảnh như vậy, sự thất thế của những thương hiệu đến sau như Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle, Collier…cũng là dễ hiểu. Việc thay đổi nhà tư vấn, đơn vị bán hàng của từ “ngoại” sang “nội” cũng được các chủ đầu tư dự án công bố dồn dập hơn.
Ngay cả thương hiệu lớn như Savills, sau một thời gian dài kỳ công đàm phán để trở thành nhà tiếp thị dự án cao thứ 3 Hà Nội 50 (tầng) Discovery tại 302 Cầu Giấy, Hà Nội cũng phải ngậm ngùi ra đi để nhường chỗ cho một nhà tư vấn nội là công ty Đất Xanh.
Ngoài những doanh nghiệp, sàn bất động sản có tên tuổi, trong 2 năm liền, tại Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt của 2 liên minh sàn bất động sản G5 và R9 mới đây đã cho thấy quyết tâm đòi lại thị phần môi giới, tiếp thị dự án của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội lại tỏ ra khá tự tin. Theo ông, “miếng bánh” thị phần môi giới, tiếp thị dự án tại Việt Nam hiện vẫn còn lớn lắm, có chăng chỉ là do thời điểm khó khăn của thị trường. Do đó, doanh nghiệp này không hề lo ngại trước sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư vấn nội.
“Tôi nghĩ thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm tới vẫn đầy tiềm năng nên chỉ lo là không có sức mà thưởng thức miếng bánh đó thôi”, ông Trung nói.
Trong khi đó, giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills bà Hoàng Quỳnh Phương lại thừa nhận rằng, hiện các doanh nghiệp tư vấn đang chịu sức ép bán hàng, giá bán… khá lớn từ các chủ đầu tư do thanh khoản thị trường quá ảm đạm.
Bên cạnh đó, do vẫn phải duy trì hoạt động nên dù là đơn vị tư vấn ngoại vốn chỉ quen với các dự án cao cấp, có thương hiệu, thì nay, Savills cũng phải chuyển sang tiếp thị, bán hàng cho các dự án hạng trung, bình dân, thậm chí là nhà ở xã hội ở các tỉnh lẻ.
Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Đất Xanh miền Bắc, thực tế trong mấy năm trước đây, so với các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu học làm dịch vụ bất động sản thì các doanh nghiệp làm dịch vụ của nước ngoài có truyền thống, kinh nghiệm và chuyên nghiệp từ rất lâu nên họ được các chủ đầu tư và khách hàng đón nhận trong những năm vưa qua.
Ông cũng thừa nhận thương hiệu, cách làm, chiến lược, kinh nghiệm bán hàng…của doanh nghiệp tư vấn ngoại là khá tốt. Nền tảng này lại được cộng hưởng bởi tâm lý sính ngoại của không ít các chủ đầu tư khi muốn dự án của mình phải ít nhiều có “dính” đến thương hiệu nước ngoài, dù chỉ là khâu bán hàng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khoảng cách này gần như đã được rút lại, thậm chí là bị xoá bỏ khi các doanh nghiệp dịch vụ trong nước cũng đã bắt nhịp được cách làm với tính chuyên nghiệp cao, trong khi chi phí và các điều kiện khác mà chủ đầu tư phải bỏ ra lại thấp hơn nhiều so với việc thuê nhà tư vấn, tiếp thị ngoại.
Song Hà



 [/chitiet]


Trung gian tài chính BĐS: Công cụ tránh rủi ro cho người mua

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Sau một loạt vụ việc người dân mất trắng tiền khi góp vốn vào những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều người mới bắt đầu nhận ra sự cần thiết của một đơn vị trung gian tài chính giúp đảm bảo việc chủ đầu tư sử dụng tiền của người mua nhà đúng mục đích.

    [/tomtat]
[chitiet]



Chị Hoan, một người mua BĐS đã gom góp tiền tích cóp của mình và gia đình đầu tư vào dự án bất động sản. Và khi chủ đầu tư dự án bị cơ quan công an tạm giữ điều tra về những sai phạm trong lĩnh vực BĐS, thì chị và hàng nghìn người đã đóng tiền mua nhà tại dự án này giờ đây không biết số phận đồng tiền của mình sẽ ra sao.
Giờ chị Hoan cũng chỉ biết đứng nhìn dự án vẫn hoang tàn, chỉ có hàng rào hạn gỉ và cỏ dại mọc đầy không biết đến bao giờ.
Chị Nguyễn Thị Hoan cho biết: "Có rất nhiều dự án xấu điển hình như dự án 683 ở Minh Khai, Từ Liêm. Tôi bỏ tiền mua 2 lô đất ở đó với giá hơn 1 tỷ và sau đó chủ đầu tư bị bắt còn hai đối tác cầm tiền bỏ chạy. Khi tòa án giải quyết không ai được một đồng nào".
Chủ đầu tư phá sản, dự án hoang tàn (Ảnh: VTV News)
Còn chị Mến, nhà môi giới BĐS đầy kinh nghiệm nhận định, cách đây khoảng 2-3 năm trên thị trường BĐS Việt Nam, có hiện tượng không ít chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng, thậm chí chưa đủ giấy tờ để triển khai dự án nhưng đã bán hết cho dân hoặc thu hết tiền.
Nhưng sau đó, chủ đầu tư lại đem tiền đi làm việc khác chứ không đầu tư vào dự án đó. Điều này rất nguy hiểm khi mà người mua nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư và chủ đầu tư toàn quyền sử dụng đồng tiền đó, chứ không phải qua một tổ chức tài chính trung gian nào giám sát.
Chị Nguyễn Thị Huyền Mến, môi giới BĐS nói: "Ví dụ mình mua một lô đất ở Hà Nội thì phía đúng vẫn là chủ đầu tư. Chủ đầu tư phá sản, vỡ nợ thì người mua không thu lại được đồng nào. Còn ở nước ngoài, khi người ta mua đất sẽ chuyển tiền vào ngân hàng. Chủ đầu tư xây đến đâu thì ngân hàng giải ngân đến đó thì tiền của nhà đầu tư nằm trong ngân hàng".
Ngân hàng mà chị Mến nói đến ở đây chính là một tổ chức trung gian, hay có thể gọi là dịch vụ tài chính đứng ra giám sát dự án BĐS. Hình thức dùng dịch vụ tài chính trong các giao dịch BĐS đã được trên thế giới áp dụng từ lâu nhưng ở Việt Nam lại gần như chưa có.
Dịch vụ tài chính là ngân hàng sẽ đứng ra nhận tiền của người mua, giao lại cho chủ đầu tư theo từng phần tương ứng với tiến độ công việc mà chủ đầu tư thực hiện, ngân hàng sẽ đứng ra giám sát tiến độ của chủ đầu tư. Và nếu có rủi ro, ngân hàng cũng sẽ đứng ra bảo đảm người mua sẽ được đền bù một phần số tiền đã bỏ ra mua nhà tại dự án.
Ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Nước ta có một nhược điểm rất lớn là quản lý BĐS mà không quan tâm đến dịch vụ tài chính. Dịch vụ này tốt hơn mua bảo hiểm vì chưa chắc đã có hãng bảo hiểm bán bảo hiểm loại này vì họ sợ rủi ro, còn dịch vụ tài chính thì kiểm soát ngay từ đầu không để xảy ra rủi ro".
Câu chuyện về sử dụng dịch vụ tài chính giờ đây có vẻ như đã là quá muộn với nhiều người, khi mà hàng loạt những vụ kiện tụng, đổ vỡ trên thị trường BĐS đã xảy ra và người dân đã mất mát quá nhiều.
Thế nhưng muộn còn hơn không và người dân vẫn hy vọng thị trường BĐS sẽ nhanh chóng có những công cụ tài chính hữu hiệu để trở nên công bằng và minh bạch hơn.
Hòa An



 [/chitiet]


Chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ được nhận tiền đặt cọc

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sắp tới Bộ sẽ ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được phép nhận đặt cọc của người mua nhà dưới hình thức thỏa thuận dân sự.

    [/tomtat]
[chitiet]



Quy định này được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Vừa qua, việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 143 – Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) đã nhận tiền đặt cọc mua nhà của khách hàng đã gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vốn đã nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà nước, khách hàng mua nhà đều là người có thu nhập thấp việc phải đặt cọc vài chục triệu đồng để mua nhà sẽ tạo rào cản cho những người muốn tiếp cận loại hình nhà ở này. Hơn nữa, chủ đầu tư nhận cọc nhưng việc xét duyệt và chấm điểm hồ sơ phụ thuộc vào nhiều cơ quan ban ngành khác...
Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay tại nhiều dự án nhà ở xã hội đã diễn ra tình trạng, chủ đầu tư cùng khách hàng đã hoàn tất hồ sơ và trình lên Sở Xây dựng xem xét, phê duyệt. Thế nhưng, đến thời điểm chốt, một số khách hàng lại xin rút hồ sơ. Điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội bởi họ không thể xác định được đâu là khách hàng thực sự.
Ông Nguyễn Văn Anh – Chủ tịch công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Sông Đà – chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội cho biết, dự án này có tổng số 512 căn hộ, sau 2 tháng tiếp nhận, chủ đầu tư đã nhận được hồ sơ đăng ký xin mua của 366 khách hàng. Chủ đầu tư đã tổ chức thẩm định và chấm điểm số hồ sơ này và chuyển lên Sở Xây dựng. Tuy nhiên, lại có một số khách hàng thay đổi ý định, xin rút hồ sơ.
“Để hoàn thành công việc thẩm định, bản thân chủ đầu tư đã phải bỏ rất nhiều công sức để đi xác minh. Thậm chí, công ty còn phải cử người xuống tận tổ dân phố để thuyết phục, giải thích cho cán bộ dân phố hiểu và xác nhận sớm cho người mua nhà. Như vậy, việc khách hàng thay đổi quyết định đã gây khó khăn nhiều cho chủ đầu tư. Chúng tôi muốn có một sự cam kết chắc chắn từ phía khách hàng. Nếu không khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, khách hàng không mua nữa sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp” ông Hoàng Văn Anh chia sẻ.
Thêm nữa, ông Hoàng Văn Anh cũng cho biết, dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú đã được ngân hàng phê duyệt cho vay 200 tỷ đồng trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để được giải ngân, chủ đầu tư phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện rành buộc trong đó có yêu cầu tiên quyết là phải có danh sách khách hàng cam kết mua nhà. Chính vì vậy, doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc.
Việc thỏa thuận đặt cọc đối với việc mua bán nhà ở thương mại là thỏa thuận dân sự bình thường và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội do có đặc điểm riêng nên chưa có quy định nào về hình thức đặt cọc. Việc thiếu vắng những quy định nay đang là rào cản cho những dự án nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc khách hàng đăng ký mua nhà sau đó lại xin rút hồ sơ sẽ khiến cho doanh nghiệp mất chủ động trong việc lên kế hoạch kinh doanh. Để giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động xác định khách hàng nào sẽ mua nhà, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc tiền mua nhà ở xã hội dưới hình thức thỏa thuận dân sự.
Anh Đào



 [/chitiet]


Sunview Town - Giải pháp cho căn hộ chung cư giá trung bình

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Trong tình hình “loạn phí chung cư” đang gây đau đầu cả người dân, Chính phủ và các chủ đầu tư, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) lại tung ra một dự án mới mang tên Sunview Town như một hướng ra cho những khó khăn chung của thị trường bất động sản.

    [/tomtat]
[chitiet]

Phối cảnh dự án
“Dẹp loạn” phí quản lý chung cư
Những khó khăn chung của thị trường bất động sản như phí quản lý, tiến độ thi công chậm trễ hay chất lượng không như cam kết đang là mối quan ngại lớn của người dân khi tìm mua căn hộ chung cư. Đồng hành cùng người dân, đầu năm 2013, phiên họp thứ nhất của Chính phủ đã đưa ra nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, giảm nợ xấu cho hệ thống tín dụng ngân hàng, trong đó có giải pháp đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh phát triển những căn hộ thương mại có quy mô nhỏ và trung bình để đáp ứng cho những người có khó khăn về nhà ở khu vực đô thị, đồng thời phù hợp với khả năng thanh toán, giá cả thanh toán của người dân, đã khuấy động lại hoạt động giao dịch, lấy lại niềm tin của khách hàng với thị trường bất động sản.
Không nằm ngoài những cố gắng đó, việc khởi công dự án Sunview Town của Tập đoàn Đất Xanh cũng thể hiện rõ sự nỗ lực từ phía các chủ đầu tư trong việc chung tay giải quyết những vấn đề chung của thị trường bất động sản, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và phát triển đô thị, xây dựng Quận Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung ngày càng hiện đại và khang trang hơn.
Đặc biệt, lần đầu tiên có một đại diện chủ đầu tư đã mạnh dạn san sẻ gánh nặng phí quản lý với người dân, khi đưa ra những chính sách miễn phí quản lý chung cư và cam kết tiến độ cũng như chất lượng thi công. Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Đất Xanh – cho biết đơn vị đã cho gắn camera 24/24 tại dự án để khách hàng có thể giám sát trực tuyến tiến độ xây dựng bất kỳ lúc nào thông qua website www.Sunviewtown.vn.
Sunview Town – Vì hạnh phúc của bạn
Nằm giữa hai trục đường chính là quốc lộ 1 và quốc lộ 13, Sunview Town được đánh giá cao khi nằm tại vị trí giao thông chiến lược, thuận tiện di chuyển về trung tâm thành phố cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu. Sunview Town còn mang đến cho cư dân một không gian yên bình của những căn hộ ngoại thành và những trải nghiệm sống sang trọng và đẳng cấp cùng những thiết kế nội thất hiện đại, chất lượng cao.
Phối cảnh nội thất
Bên cạnh đó, dự án được xây dựng theo những tiêu chuẩn quốc tế, với đầy đủ các tiện ích hiện đại (bao gồm: hồ bơi, phòng tập gym, spa, đường chạy bộ ven sông, công viên cây xanh, sân chơi trẻ em, nhà hàng, siêu thị…). Theo chuẩn thiết kế này, khu phức hợp hiện đại được kết hợp hài hòa với thiên nhiên tạo nên một “không gian sống” đích thực. Trong toàn bộ hơn 36.000m2 tổng diện tích, đất xây dựng căn hộ chỉ chiếm chưa đến 1/3. Toàn bộ 2/3 diện tích còn lại được sử dụng cho các hạ tầng giao thông, sân bãi, khu vui chơi, hệ thống khuôn viên cây xanh.
Dự án Sunview Town gồm 4 block nhà, cao trung bình 18 tầng với tổng số 1.603 căn hộ có diện tích từ 46m2 - 101m2/căn. Tuy nhiên trong đó có đến hơn 82% căn hộ tại đây có diện tích từ 46m2- 65m2 nhằm đáp ứng nhu cầu mua để “an cư lạc nghiệp” của đại đa số người dân lao động có mức thu nhập trung bình khá hiện nay. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã phát biểu trong Lễ khởi công dự án Sunview Town ngày 9/9 vừa qua: “Trong quý 2 và 3/2013, lượng giao dịch nhà ở trong phân khúc diện tích này rất cao. Dự án Sunview Town với phần lớn căn hộ có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng, như vậy tổng giá trị căn hộ cơ bản ở đây sẽ dưới 1 tỷ đồng. Đây là điều hết sức thuận lợi cho người dân trong khu vực TP.HCM.”
Ngoài những ưu thế về thiết kế và giá cả, “vũ khí chiến lược” của Tập đoàn Đất Xanh khi tung ra dự án Sunview Town trong giai đoạn “giông bão” này chính là chính sách miễn phí quản lý chung cư cho cư dân và hỗ trợ vay vốn trong thời hạn lên đến 20 năm từ các ngân hàng uy tín. Ông Nam cho biết thêm: “Cộng với chính sách hỗ trợ cho vay từ gói 30.000 tỷ đối với lãi suất 6% và thời hạn cho vay lên đến 10 năm trở lên thì đây là một điều kiện rất tốt để người dân trong khu vực thực hiện được ước mơ – có một ngôi nhà do chính mình sở hữu.”
 Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa giới thiệu trang thương mại điện tử trực tuyến www.123muanha.vn là một cổng thông tin điện tử về bất động sản nâng cao tính năng giao dịch trực tuyến, cung cấp thông tin tìm kiếm một cách chi tiết và toàn diện nhất của các dự án bất động sản trên cả nước và cho phép khách hàng giao dịch đặt chỗ, đặt cọc, thanh toán trực tuyến. Khách hàng có thể tham khảo thông tin, cân nhắc lựa chọn, đặt cọc và thanh toán chi phí online khi mua căn hộ dự án Sunview Town ngay tại website: www.123muanha.vn. Tại Lễ công bố dự án Sunview Town ngày 20/9, Đất Xanh cho biết sẽ tổ chức bốc thăm may mắn với giải thưởng là các voucher miễn phí quản lý nhà với thời hạn từ 3 – 10 năm dành cho khách hàng nhằm chia sẻ các gánh nặng tài chính cho người mua nhà.

Ngọc Thảo



 [/chitiet]


TPHCM: Nhà xây không phép tiếp tục gia tăng

[giaban][/giaban]
[motangan][/motangan]
[tomtat]

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM với lãnh đạo UBND thành phố chiều 18-9, trong 9 tháng đầu năm 2013 thành phố có 3.034 trường hợp vi phạm xây nhà không phép, sai phép và tỷ lệ xử lý đến nay đạt 85,6%.

    [/tomtat]
[chitiet]



Trên địa bàn TPHCM trong 9 tháng đầu năm có 3.034 trường hợp vi phạm xây nhà không phép, sai phép - Ảnh: Quang Chung.
Nếu so sánh số liệu trên với con số được lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo ngày 1-8-2013 (trong 7 tháng đầu năm 2013 thành phố có 2.626 trường hợp vi phạm nhà xây không phép), có thể thấy tình trạng nhà xây không phép đến nay chưa dừng lại và chưa được xử lý rốt ráo.
Báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố trong cuộc họp chiều 18-9, ông Quách Hồng Tuyến, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố có 3.034 trường hợp vi phạm xây dựng nhà không phép, sai phép.
Theo ông Tuyến, trong các trường hợp vi phạm xây dựng nhà không phép, sai phép có khoảng 1/3 trường hợp là dân từ các tỉnh khác đến. Đến nay, cơ quan chức năng và UBND các quận huyện đã xử lý được 2.596 trường hợp (đạt tỷ lệ 85,6%), còn lại 438 trường hợp tiếp tục xử lý thời gian tới.
Theo ông Tuyến thì các “điểm nóng” về xây dựng nhà không phép, sai phép vẫn tập trung ở các quận như Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp ...
Vào đầu tháng 8-2013, trong một báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố, khi đó lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết huyện Bình Chánh có 681 trường hợp vi phạm và sẽ được xử lý rốt ráo ngay trong tháng 8.
Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng thống kê lại thì tại Bình Chánh số vi phạm xây nhà không phép, sai phép trong 9 tháng đầu năm 2013 lên đến 1.093 trường hợp, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và xã Tân Kiên.
Riêng tại huyện Bình Chánh, Sở Xây dựng thành phố cho rằng nhiều người xây nhà không phép trên đất nông nghiêp, do đầu nậu mua đất rồi tự ý phân lô bán nền, còn địa phương thì buông lỏng quản lý, tất cả các nhà xây dựng không phép dù vi phạm pháp luật nhưng vẫn được lắp đồng hồ điện và gắn biển số nhà.
Theo ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, hiện nay nhu cầu nhà ở cho người dân diện di dời từ nội thành ra ngoại thành và nhiều người dân chuyển từ các tỉnh khác đến Bình Chánh là có thực và rất nhiều. Do mua đất phù hợp với quy hoạch có giá rất đắt nên đa phần người dân mua đất không phù hợp quy hoạch, đất nông nghiệp để xây nhà, nên rất nhiều trường hợp không được cấp phép xây dựng.
Theo UBND một số quận huyện, vướng mắc chủ yếu đối với việc cấp phép xây dựng cho người dân chính là đất nằm trong diện quy hoạch và vướng các tiêu chuẩn, quy định về tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND thành phố, chủ trương của thành phố là sắp tới UBND các quận huyện sẽ rà soát lại từng trường hợp cụ thể, nếu người dân nào xây nhà trên đất nông nghiệp mà là người dân địa phương thì vẫn được xem xét cấp phép xây dựng, khi nào thành phố có quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất sẽ bồi thường.
Văn Nam



 [/chitiet]


Copyright © 2013 Nhà Cho Thuê Quận 3 and Blogger Templates - Anime OST.